Bí mật ít ai biết về bánh trung thu ngày rằm tháng 8
Ở Việt Nam và một vài nước Châu Á có tục thờ thần mặt trăng. Khi vụ mùa kết thúc, người nông dân được nghỉ ngơi để “thưởng trăng” và ngày rằm tháng 8 đã được chọn để bày cỗ, rước đèn. Qua nhiều thập kỷ, giờ đây phá cỗ ngày rằm trung thu đã trở thành phong tục truyền thống, một nét đẹp ngàn đời của người dân Việt.
Tết trung thu trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam
Tết Trung thu là cái Tết lớn thứ 2 trong năm, vào những ngày này tất cả thành viên trrong gia đình quây quần bên mâm ngũ quả nói chuyện hàn huyên, tâm sự về mọi điều trong cuộc sống. Trong mâm ngũ quả của mọi gia đình có hương hoa, trà quả và không thể nào thiếu bánh Trung thu (Bánh nướng và bánh dẻo).
Người xưa thường gọi bánh nướng và bánh dẻo là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Vào đêm trung thu lúc trăng sáng nhất, phụ nữ bày cỗ trông trăng, trổ tài gọt hoa quả, nặn bột thành những con giống và làm bánh nướng, bánh dẻo thể hiện tình yêu thương, quan tâm và chia sẻ với gia đình.
Sắc thái bánh trông trăng Việt xưa
Bánh trung thu ngày xưa chủ yếu có nhân bằng trứng muối thể hiện cho mặt trăng tròn
Bánh trung thu xưa có vỏ mỏng (khoảng 1cm), được làm bằng bột mì, hương liệu, bọc khối nhân rất ngon và hơi dầu mỡ. Nhân bánh khá đa dạng, có khi là quả trứng muối tượng trưng cho mặt trăng tròn, có khi là sự tổng hòa của hạt sen xay, đậu xanh, nhân thập cẩm (dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao…), bọc lòng đỏ trứng vịt muối, thập cẩm, thơm nức mùi vani, sầu riêng. Bánh có hình vuông (biểu tượng cho trời đất) hoặc hình tròn (biểu tượng cho mặt trăng) đường kính 7 – 10 cm, độ dày khoảng 4-5 cm.
Bánh dẻo thường được nặn thành nhiều hình thù độc lạ khác nhau, có cái lớn như chiếc mâm, có cái nặn thành cá chép, rồng, con vật…Bánh thể hiện hình dáng của mặt trăng, màu trắng biểu tượng “đoàn viên gia đình”, nhất là tình yêu khăng khít của vợ chồng với nhau. Bánh trung thu xưa của người Hà Nội thường ngọt hơn bánh của miền Nam. Khi ăn có cảm giác mềm, thơm và rất ngậy.
Bánh trung thu thời hiện đại
Bánh nướng, bánh dẻo thời hiện đại được cách tân cả về hình thức, mẫu mã và nhân bên trong
Bánh trung thu thời nay có kích cỡ to hơn, mặt bánh có khắc chữ mang thông điệp tốt lành, có những tiệm làm bánh còn tỉ mỉ hơn khi gắn cả hình người phụ nữ và thỏ con (tượng trưng cho Hằng Nga và Thỏ Ngọc)
Phụ nữ thời hiện đại không những xinh đẹp mà còn rất khéo léo, rất nhiều người tự tay làm bánh cho cả gia đình, bánh được cách tân cả về kiểu dáng, nguyên liệu và nhân. Ngoài nhân trứng muối, nhân thập cẩm, các loại bánh nướng bánh dẻo nhân cà phê, socola, trái cây cũng lần lượt được ra đời.
Để phục vụ nhu cầu của con người thời hiện đại, những năm gần đây còn xuất hiện bánh trung thu dành cho người ăn chay, giá thường đắt hơn rất nhiều so với giá trị thực. Về hình thức được biến tấu rất phong phú, phổ biến là kiểu lợn mẹ và đàn con, cá chép…màu sắc bánh trung thu vàng đều, vỏ mỏng, mềm thơm và không bị chảy nước. Bánh trung thu hiện đại có thể bảo quản được lâu, có khi đến cả tháng nhưng chỉ nên giữ trong 2 tuần, nếu thấy mùi khét thì đừng nên ăn.
Dù là bánh có hình thù nào, vị gì đi nữa thì đều có chung một ý nghĩa về sự đoàn viên trong gia đình
Dù là bánh trung thu xưa hay thời hiện đại thì đều có chung một ý nghĩa về sự đoàn viên trong gia đình. Nếu bạn là người đi làm ăn xa, đến ngày này hãy về với gia đình bởi ở đó có bố mẹ và các con đang trông ngóng.
Đặc sản 4 phương tổng hợp